Hồi xưa khi còn đi học tôi thường hay đọc sách trước khi nghe giảng viên giảng giải về đề tài đó. Có nhiều quyển sách chỉ vài trăm trang mà đọc cả tháng. Có những chỗ không hiểu nó làm mình khựng lại, và dù có suy nghĩ nát óc cũng không thể vượt qua phần khó đó. Khó quá đành cho qua và tôi lại đọc tiếp phần sau, nhưng không ngờ tôi lĩnh hội phần sau dễ dàng hơn. Thế rồi khi lĩnh hội được kiến thức phầu sau, tôi quay lại phần khó kia, thì lúc này chìa khóa tri thức mở ra. Cũng có lần, tôi vớ được cuốn sách, đọc hoài không không trôi vì cách diễn giải của người viết làm người đọc không thể sắp xếp lại những kiến thức một cách logic để thông não được. Bất lực, thế là tôi đến hiệu sách của trường mua một quyển cũng viết về đề tài đó nhưng là của một tác giả khác, thật bất ngờ, mọi thứ tưởng như rối rắm khó hiểu trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Từ đó tôi mới hiểu, để có thói quen đọc sách thì ham đọc chưa đủ, mà chất lượng sách cũng góp một phần rất lớn vào thói quen đọc sách của con người.
Qua nhiều lần chiến đấu vất vả với việc đọc sách, tôi rút ra một điều, ngoài hàm lượng tri thức cần có trong một cuốn sách, thì cách viết, cách diễn giải vấn đề của người viết nó có tính quyết định trong việc xây dựng sở thích đọc sách con người. Ở khoa học tư nhiên hay khoa học xã hôi cũng vậy, người viết không những cần phải có kiến thức mà còn phải có khả năng diễn giải, thì lúc đó tri thức trong những cuốn sách kia mới trở thành mật ngọt thu hút bạn đọc thay vì nhàm chán.
Để có được cuốn sách hay, người viết phải hội đủ 3 yếu tố: thứ thất có tri thức, thứ nhì phải biết viết, và thứ 3 là có khả năng truyền đạt. Với nền giáo dục XHCN thì việc tạo ra những con người hội tụ 3 tố chất này là rất khó, điều đó dẫn đến sách viết ở Việt Nam chất lượng không cao. Mà một khi sách kém chất lượng thì làm sao bảo người Việt xây dựng thói quen đọc sách đây? Rất khó.
Khi vào siêu thị sách ở Sài Gòn, ai cũng bắt gặp một số lượng sách khá lớn. Thế nhưng cầm sách lên đọc thì mới thấy chất lượng sách khá thấp. Lấy ví dụ, nếu ai muốn đọc chính trị, thì kết quả chỉ toàn là sách Mác- Lê-Hồ, hàm lượng tri thức cực thấp mà ngòi bút người viết lại cực tệ, ai kiên trì lắm đọc thử chừng 10 trang thì trong người có cảm giác ngán vì tốn thời gian vô ích. Sách thì viết dài lê thê cố kéo cho nhiều chữ, nhưng hàm lượng tri thức thì gần như bằng zero. Trong những cuốn sách ấy, nó nổi lên như là một sản phẩm của sự nhồi sọ, người viết bị nhồi sọ, và họ viết ra những thứ cũng chỉ để nhồi sọ bạn đọc, hết.
Nền giáo dục kém thì đào tạo ra nhân lực chất lượng thấp, mà nhân lực chất lượng thấp thì lấy đâu ra sách hay mà đọc? Mà không có sách hay thì làm sao đáp ứng nhu cầu đọc(nếu có) của người Việt đây? Đó là vòng luẩn quẩn mà không cách nào gỡ, vì khi giáo dục Việt Nam đã bị CS ghìm trong mê muội. Chất lượng sách đã thấp, thêm vào đó là sự kiểm duyệt gắt gao của chính quyền. Mà thành phần nhân lực làm công tác kiểm duyệt cho chính quyền lại là những kẻ như thế nào? Ngu dốt, cực đoan, máy móc vv..., như vậy những đầu sách qua tay kiểm duyệt của những kẻ này thì còn được bao nhiêu sách là đáng đọc đây? Rất ít.
Một dân tộc mà không biết đọc sách thì tất một dân tộc không thể phát triển bằng các dân tộc khác, rõ ràng là như vậy. Việt Nam dưới thời CS, người dân vô cùng lười đọc. Thực tế với sự cai trị của ĐCS, thì điều đó là tất yếu? Vì sao? Vì để có văn hóa đọc trong xã hội, thì xã hội đó phải đạt được 2 yếu tố cơ bản: thứ nhất là chất lượng sách, thì nhì là người dân phải có nhu cầu đọc thực sự. Cả 2, với dưới thời CS đều không đạt. Chất lượng sách kém thì đã trình bày phần trên, còn nhu cầu đọc của người dân Việt Nam thấp là do đâu mà ra? Cũng từ giáo dục cả. Giáo dục khai phóng sẽ hướng con người vượt ra ngoài giới hạn kiến thức của người thầy. Còn giáo dục XHCN thì khác, nó gò con người theo khuôn định sẵn. Chính điều đó nó tạo ra những sự ù lì, con người chỉ biết ngồi chờ mọi người mang tri thức đến nhét vào đầu mình. Kết quả, những con người chịu sự gò ép của giáo dục XHCN thường có năng tìm tòi rất kém, mà khi không muốn tìm tòi thì nhu cầu đọc sách của họ cũng chẳng có.
Có thể nói, hậu CS, có lẽ mất phải vài thế hệ thì nền giáo dục mới mới có thể vực dậy khả năng đọc sách của người Việt. Lười đọc, theo tôi không phải là dân tộc tính người Việt, mà nó là kết quả của một chính sách cai trị. Nó sẽ khác khi Việt Nam đổi thể chế chính trị. Tôi tin là vậy.
-Đỗ Ngà-